Việt Nam giàu tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, hệ thống cây dược liệu, nhiều chùa, tịnh xá với hệ thống thiền viện có cảnh quan hấp dẫn… nhưng lại chưa phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, vì sao?
Theo Mai Mai (Vietnam+) 07/10/2021 08:40 GMT+7
Du khách nghỉ dưỡng kết hợp thiền, yoga ven biển Côn Đảo. (Ảnh: CTV/Vietnam+) Dịch bệnh hoành hành, ô nhiễm môi trường gia tăng là nguyên nhân khiến du lịch chăm sóc sức khỏe trở thành xu hướng trên thế giới. Đặc biệt, thời gian hậu COVID-19 được các chuyên gia đánh giá là giai đoạn bùng nổ của các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Thế nhưng trên thực tế, loại hình này lại chưa thực sự phát triển ở Việt Nam mặc dù nước ta có nhiều tiềm năng. Vậy, du lịch Việt có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm thế giới và nên chọn đi theo con đường nào?
Châu Á dẫn đầu về du lịch chăm sóc sức khỏe
Ở một số quốc gia như: Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển. Chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Lưu cho biết: “Dự báo năm 2022 du lịch chăm sóc sức khỏe của thế giới sẽ đạt ngưỡng 919 tỷ USD. Hiện nay, loại hình du lịch này đang phát triển rầm rộ từ Bắc Mỹ đến châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương và sẽ phát triển nhanh hơn trong những năm tới. Bởi nó nằm ở vùng giao thoa mạnh mẽ của hai ngành lớn đang bùng nổ là ngành du lịch thuần túy và ngành chăm sóc sức khỏe.”
[Lãnh đạo ngành du lịch: “An toàn đến đâu mở cửa đến đó”]
Đáng nói là trong 5 năm trở lại đây, châu Á dẫn đầu cả số lượng khách và nguồn thu từ du lịch chăm sóc sức khỏe. Nếu loại hình này duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm sẽ đóng góp 18% tỷ trọng cho ngành du lịch toàn cầu. Phó vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, ông Vũ Nam nêu dẫn chứng từ một làng quê có xuất phát điểm kinh tế thấp kém vào những năm 70 của thế kỷ trước là Yufuin (Oita, Nhật Bản), vùng đất này đã phát triển vượt trội để trở thành ngôi sao sáng của thế giới trong việc khai thác tài nguyên suối khoáng nóng phục vụ phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.
Tắm khoáng nóng kiểu Nhật. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+
Yufuin có diện tích tự nhiên khoảng 1.800 ha với dân số khoảng 10.000 người nhưng năm 2019 (thời điểm dịch COVID-19 chưa xuất hiện), Yufuin đã đón tới gần 4,5 triệu lượt du khách, trong đó có gần 3,5 triệu lượt khách tham quan trong ngày. Ước tính trung bình mỗi ngày Yufuin đón hơn 12.000 lượt khách, nhiều hơn dân số của làng. Thu nhập từ du lịch năm 2019 của người dân địa phương này đạt hơn 16 tỷ Yên Nhật, tương đương gần 15 triệu USD (khoảng 340 tỷ đồng). “Đây có thể nói là một trong những điểm đến du lịch điển hình nhất trong việc khai thác tài nguyên suối khoáng nóng cho phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở không chỉ Nhật Bản mà cả trên thế giới, đáng để học tập,” ông Vũ Nam đánh giá. Tận dụng tiềm năng sẵn có, với cách làm bài bản, khơi đúng “mạch ngầm,” Nhật Bản hiện đã phát triển khoảng 27.000 điểm tắm khoáng nóng và loại hình dịch vụ này trở thành “ngành kinh doanh tỷ đô” của đất nước Mặt Trời mọc với doanh thu khoảng 13 tỷ USD/năm. Nhận định về xu hướng du lịch đã phát triển trên thế giới nhưng vẫn còn bị bỏ ngỏ ở Việt Nam này, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng: “Đại dịch COVID-19 xuất hiện và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng sẽ khiến con người quan tâm nhiều hơn đến du lịch chăm sóc sức khỏe.” “Trong thời gian tới xu hướng du lịch sẽ có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt những chuyến du lịch dài ngày của du khách sẽ không còn là những chuyến tham quan đơn thuần mà thay vào đó là hình thức du lịch tận hưởng nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc, cải thiện sức khỏe.”
Khu nghỉ dưỡng suối khoáng tiêu chuẩn Nhật Bản tại Quảng Ninh.
Nhưng thực tế, du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện nay mới chỉ bắt đầu với một số sản phẩm còn thiếu tính đặc sắc, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút khách. Đây là điều đáng tiếc bởi nước ta vốn giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, hệ thống cây dược liệu, có nhiều chùa, tịnh xá với hệ thống thiền viện có cảnh quan hấp dẫn… để có thể phát triển, gia tăng trải nghiệm cho khách.
Mảnh đất màu mỡ còn "khuyết"
Theo bà Thanh Hương nguyên nhân chính khiến du lịch chăm sóc sức khỏe vẫn bị bỏ ngỏ ở Việt Nam là do ngành du lịch chưa nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng cũng như chưa có định hướng, chính sách cụ thể trong việc phát triển loại hình này. Hiện trong nước mới có một số nhà đầu tư giàu tiềm lực khai thác suối nước khoáng nóng như: Khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm-Tuyên Quang; khu du lịch suối khoáng nóng Quang Hanh-Quảng Ninh; khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy (Phú Thọ) khai thác theo mô hình Onsen của Nhật Bản… Ngoài ra, một số khu du lịch có cung cấp dịch vụ tắm bùn, spa, xông hơi, massage như khu du lịch Trăm Trứng (Khánh Hòa), khu du lịch V-resort (Hòa Bình), khu du lịch khoáng nóng Sài Gòn-Bình Châu (Vũng Tàu)… Trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, năm 2018 có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng và chi tiêu 2 tỷ USD. Trong khi đó hàng năm cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới cả tỷ USD. Điều đó cho thấy, không chỉ khách quốc tế mà “người nhà ta” cũng là mảnh đất màu mỡ của loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, trong giai đoạn mới khi chẳng thể xuất ngoại, du khách bày tỏ mong muốn được xanh lối sống, mạnh thân tâm và lành tinh thần.
Du khách nghỉ dưỡng trên du thuyền kết hợp tập Taichi. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Nắm bắt được tâm lý đó, một số đơn vị lữ hành đã kịp thời bổ sung sản phẩm du lịch thiền/yoga, các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng ở những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, không khí trong lành, song hành cùng các tour du lịch nghỉ dưỡng, khám phá vốn đã quá quen thuộc. Các tour này đều có huấn luyện viên hướng dẫn riêng cho du khách. Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, ông Trần Hữu Thùy Giang cho biết địa phương này sẽ nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách, định hướng dịch vụ và sản phẩm để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch gấp rút xây dựng, kết nối tour và đưa vào khai thác loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Cần đưa loại hình du lịch này thành một loại hình trọng điểm trong quy hoạch, chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam. Chính phủ cần có chính sách và quy hoạch phát triển loại hình du lịch này nhằm phục vụ cho việc nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dân cư Việt Nam và thu hút người nước ngoài, tăng nguồn thu cho ngân sách,” giáo sư Nguyễn Văn Đính, người từng tham gia công tác giảng dạy về lĩnh vực du lịch, đề xuất. Các chuyên gia cũng cho rằng ngành du lịch cần phối hợp với ngành y tế để đưa ra các giải pháp mở rộng loại hình du lịch này. Đặc biệt, hai ngành cần liên kết xây dựng bộ tiêu chí để chuẩn hóa các dịch vụ cũng như quy trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở du lịch; có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá loại hình du lịch sức khỏe ở cả trong và ngoài nước./.
Du lịch Việt Nam mong một tương lai rạng rỡ sớm trở lại. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Theo Mai Mai (Vietnam+) 07/10/2021 08:40 GMT+7
Bình luận
Xem thêm